Cách xử lý bong gân cổ chân

Ngày đăng 30/06/2022 11:18

Bong gân cổ chân là tình trạng bị chấn thương cổ chân thường gặp nhất trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta chơi thể thao, vận động không đúng cách… khiến dây chằng ở khớp cổ chân bị giãn căng quá mức, hoặc rách 1 phần hoặc toàn bộ dây chằng sẽ gây ra bong gân cổ chân.

Tình trạng bong gân cổ chân

bong-gan-co-chan

Tùy theo tình trạng bị bong gân nhẹ hay nghiêm trọng mà người bệnh nên có cách xử lý phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như xương khớp cổ chân. Nếu bị bong gân cổ chân nhẹ, người bệnh có thể tự phục hồi tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, hạn chế vận động khớp cổ chân bị chấn thương.

Trường hợp bị bong gân cổ chân nghiêm trọng với triệu chứng đau nhức không thể chịu nổi, sưng tấy…thì người bệnh cần đến khám điều trị tại cơ sở y tế; tránh để bệnh tiến triển thành bong gân mãn tính, dẫn đến chấn thương tái phát và đau, sưng cổ chân kéo dài.

Có thể chia thành 3 cấp độ bong gân khớp cổ chân: cấp độ nhẹ là khi dây chằng bị kéo căng, giãn nhẹ với biểu hiện hơi bị sưng ở mắt cá chân và chỉ hơi đau; người bệnh vẫn có thể đi lại khập khiễng; cấp độ 2 là dây chằng bị đứt 1 phần với triệu chứng cổ chân bị sưng đau nên đi không vững; cấp độ 3 là cấp độ nặng khi dây chằng đã bị đứt hoàn toàn, cổ chân sưng to và bầm tím, đau nhức dữ dội.

Cách xử lý bong gân cổ chân

cach-xu-ly-khi-bi-bong-gan

Khi bị bong gân cổ chân dù tình trạng nặng hay nhẹ, người bệnh cũng nên nhanh chóng áp dụng một số cách sau đây để giảm các triệu chứng sưng tấy, đau nhức, cũng như tránh tổn thương nhiều hơn:

- Nghỉ ngơi, tránh vận động bên chân bị bong gân; nếu di chuyển nên sử dụng nạng;

- Chườm đá lạnh mỗi ngày 2-4 lần, mỗi lần 20-30 phút; lưu ý không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da mà bọc đá trong khăn bông hoặc túi chườm;

- Dùng băng chun hoặc nẹp để cố định khớp cổ chân;

- Trong 1-2 ngày đầu bị bong gân, khi nằm, ngồi nên kê chân cao hơn người;

- Nên sử dụng một số loại thuốc giảm đau, giảm viêm, chống phù nề…

cach-xu-ly-khi-bi-bong-gan-2

Bên cạnh đó, người bệnh nên tùy theo khả năng của mình để có những hoạt động tập luyện nhằm phục hồi khả năng vận động của cơ, khớp; nhằm sớm trở lại hoạt động bình thường. Tập luyện với dụng cụ tập vật lý trị liệu thích hợp theo lời khuyên của các bác sĩ.

Lưu ý, đối với bệnh bong gân, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu, cao, tinh dầu tính chất nóng vì có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp; chỉ nên chườm lạnh để giảm đau tức thời.

Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng bong gân cổ chân, các bạn cần hết sức chú ý trong các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày để tránh bị ngã, trượt chân; trước khi chơi thể thao cần khởi động kỹ; chọn giầy dép đảm bảo đúng kích cỡ, chắc chắn, an toàn…

Bong gân cổ chân cần được xử lý triệt để, tránh bị tái diễn nhiều lần dẫn đến mãn tính. Khi bong gân kéo dài quá 4 tuần có thể coi là mãn tính và cần áp dụng các liệu pháp hiệu quả hơn; đồng thời tuyệt đối hạn chế các tác động khiến tình trạng bong gân thành mạn tính như: đi lại trên khu vực mấp mô; hoạt động thể thao ảnh hưởng đến cổ chân, làm cổ chân bị vặn xoắn…